Quấy rối

Thuật ngữ quấy rối trong công ty đề cập đến một loạt các hành vi, thực tiễn và lời nói không thể chấp nhận được và có khả năng gây tổn hại về thể chất hoặc tâm lý cho một cá nhân.

Hành vi quấy rối là không thể chấp nhận được bất kể lý do của hành vi đó là gì, cho dù hành vi đó xuất phát từ việc phân biệt đối xử hay không.

harcelement_original

Ví dụ về các hành vi không phù hợp

Ví dụ về các hành vi không phù hợp có thể cấu thành hành vi quấy rối (chủ yếu là quấy rối về tâm lý nhưng đôi khi cũng có thể là quấy rồi thể chất):

  • Xúc phạm, làm nhục, lăng mạ, hạ thấp hoặc liên tục chỉ trích ai đó
  • Đe dọa, gây sức ép, dọa nạt ai đó hoặc hét vào mặt họ
  • Đưa ra những lời nói đùa hoặc bình luận không được mong muốn gây ảnh hưởng đến người khác
  • Gây áp lực vô lý lên ai đó hoặc đặt ra những mục tiêu không thể đạt được
  • Thúc đẩy ai đó phạm sai lầm
  • Cô lập một người về mặt thể chất hoặc xã hội với những người còn lại trong nhóm
  • Loại trừ ai đó khỏi các lợi thế hoặc các quyết định (việc lựa chọn ca làm việc, các kỳ nghỉ, việc thăng chức, đào tạo, v.v.) hoặc chỉ giao cho họ công việc mà không ai muốn làm hoặc không liên quan đến chức năng của họ
  • Rút bỏ trách nhiệm hoặc nhiệm vụ hoặc chuyển vị trí của ai đó mà không có lý do
  • Có tương tác thể chất không được mong muốn với ai đó (vỗ vào lưng, ôm, đẩy ai đó, xâm phạm không gian cá nhân, v.v.)

Các phương pháp quản lý dựa trên áp lực và nỗi sợ hãi, xảy ra trên quy mô lớn trong một công ty, ví dụ như trong bối cảnh sắp xếp lại cơ cấu tổ chức hoặc một dự án, có thể được coi là "quấy rối thể chế".

 

Ví dụ về các hành vi không phù hợp có thể cấu thành quấy rối tình dục:

  • Tiếp xúc cơ thể quá mức hoặc không thích hợp (chạm vào bộ phận mang tính nhạy cảm trên cơ thể ai đó…), nhìn chằm chằm vào ai đó liên tục, ...
  • Đưa ra lời mời hoặc gợi ý mang tính tình dục hoặc tặng quà không phù hợp (đồ lót, nước hoa), không được mong muốn và không được đáp lại (bằng thể chất, bằng lời nói hoặc bằng bất kỳ phương tiện điện tử nào)
  • Đưa ra nhận xét hoặc câu hỏi không được mong muốn về khía cạnh thể chất hoặc đặc điểm tình dục của một người
  • Đề nghị thăng tiến hoặc tạo lợi thế tùy thuộc vào việc chấp nhận những lời mời hẹn hò hoặc những hành vi tiến tới tình dục (luôn cấu thành hành vi quấy rối)

Việc một hành vi được coi là quấy rối (gây tổn hại về tâm lý hoặc thể chất) hay không còn phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của người nhận, điều này có thể khác nhau ở mỗi người.

Mức độ nghiêm trọng của một hành vi không thể chấp nhận được có thể tùy thuộc vào từng trường hợp. Một số hành vi không thể chấp nhận được là đủ nghiêm trọng để cấu thành hành vi quấy rối sau một lần xảy ra, trong khi những hành vi khác cần sự lặp lại. Việc lặp lại một hành vi không được mong muốn thậm chí sẽ làm tăng tác động và mức độ nghiêm trọng của nó.

Quấy rối có thể liên quan đến bất kỳ ai và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào liên quan đến công việc, kể cả địa điểm bên ngoài. Việc quấy rồi bị xử phạt theo luật ở nhiều quốc gia và được xử lý theo Công ước số 190 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được thông qua vào tháng 6 năm 2019 và có hiệu lực từ tháng 6 năm 2021.

Các Giá trị và Các Nguyên tắc

Tập đoàn Michelin cam kết đảm bảo một môi trường làm việc tập thể, an toàn và được bảo vệ, nơi tất cả người lao động có thể phát triển bản thân mà không có rào cản hay sợ hãi. Công ty hiểu được rằng hành vi quấy rối ảnh hưởng đến phẩm giá của một người, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý và thể chất của ai đó và có thể tạo ra một môi trường làm việc thù địch.

Do đó, Tập đoàn không dung thứ cho bất kỳ hình thức quấy rối nào đối với ai, dù mang tính chất tình dục hay tâm lý, tại nơi làm việc hoặc có bất kỳ mối liên hệ nào với hoạt động kinh doanh của Michelin, kể cả khi liên quan đến/đến từ các bên liên quan bên ngoài (ứng viên, nhà cung cấp, khách hàng, đối tác, đại lý, người đến thăm). Quấy rối người khác khi đang ở vị trí có quyền hạn đối với người đó là một tình tiết tăng nặng.

Michelin đưa ra chính sách không khoan nhượng đối với hành vi quấy rối có thể nhìn thấy rõ ràng, bất kể người quấy rối nắm giữ vị trí nào trong công ty. Michelin thiết lập các kênh khiếu nại dễ tiếp cận, công bằng và bí mật cho người lao động và các bên liên quan chính của Michelin và khuyến khích bất kỳ người nào là nạn nhân hoặc nhân chứng của hành vi quấy rối báo cáo về hành vi quấy rối. Michelin thúc đẩy một môi trường nơi mà mọi người cảm thấy tự tin để bày tỏ mối quan tâm của họ và cam kết bảo vệ tất cả những người báo cáo về trường hợp quấy rối trên cơ sở thiện chí khỏi bất kỳ sự trả đũa nào.

Tập đoàn cam kết xử lý tất cả các vụ việc một cách nghiêm túc, bảo mật, kịp thời và khách quan, thực hiện các biện pháp để tránh mọi xung đột lợi ích có thể xảy ra trong quá trình điều tra. Tập đoàn sẽ trừng phạt đối với tất cả các hình thức quấy rối đã được chứng minh và đưa ra các hành động để khắc phục các tình huống khó chịu ngay cả khi hành vi quấy rối chưa được thực hiện.

Michelin thực hiện các biện pháp phòng ngừa và phát hiện ở tất cả các khu vực, đào tạo cho cấp quản lý và cán bộ của bộ phận nhân sự để thúc đẩy thái độ gương mẫu theo mô hình ICARE và dẫn dắt một cuộc đối thoại cởi mở trong các nhóm về những hành vi không phù hợp hoặc không được mong muốn đã trải qua trong quá trình làm việc. Việc đào tạo cũng nhằm mục đích xác định các hành vi sai trái và đảm bảo rằng các khiếu nại về hành vi quấy rối được xử lý nghiêm túc.

Michelin cũng xử lý cẩn trọng để các dự án chuyển đổi công ty sẽ không dẫn đến bất kỳ hình thức quấy rối thể chế nào và cho người lao động tham gia trong việc thiết kế các biện pháp phòng ngừa liên quan.

Những người bị quấy rối như được định nghĩa trong Quy tắc Đạo Đức sẽ được công nhận là nạn nhân và sẽ được đồng hành trong quá trình phục hồi sức khỏe cá nhân và sức khỏe nghề nghiệp.

Michelin báo cáo một cách minh bạch số lượng các khiếu nại về hành vi quấy rối và các hành động được thực hiện hoặc các biện pháp trừng phạt được tuyên bố trên cơ sở hàng năm, luôn chú ý giữ bí mật quy trình cho tất cả những người có liên quan.

Tất cả người lao động :

Việc nên làm: Tôi phải

  • Có thái độ tôn trọng, sử dụng ngôn ngữ tôn trọng với tất cả những người tôi gặp tại nơi làm việc, kể cả khi liên hệ dưới dạng điện tử (email, video, v.v.).
  • Chú ý đến trạng thái hạnh phúc của các đồng nghiệp khác và phát hiện sự khó chịu có thể có khi gặp phải những hành vi không phù hợp.
  • Báo cáo bất kỳ tình huống nào có thể cấu thành hành vi quấy rối, cho dù tôi là nạn nhân hay nhân chứng, cho người quản lý của tôi hay người quản lý khác, Bộ phận Nhân sự, Bộ phận An ninh, Bộ phận Pháp chế, nhân viên y tế của công ty hoặc Cán Bộ Phụ Trách Đạo Đức Khu Vực và thông qua Đường Dây Đạo Đức.

Việc không nên làm: Tôi không được

  • Đưa ra những nhận xét hoặc cử chỉ, ngay cả khi có vẻ vô hại hoặc hài hước, nhưng khiến một người cảm thấy bị coi thường, tổn thương hoặc bị làm phiền hoặc ý kiến của một người bị bác bỏ hoặc hạ thấp.
  • Cố gắng quan tâm một người về mặt tình cảm hoặc tình dục khi người đó tỏ ra không muốn đáp lại hoặc từ chối những quan tâm đó.

Cấp quản lý

Việc nên làm: Tôi phải

  • Tạo ra và duy trì bầu không khí tôn trọng mọi người, khuyến khích đối thoại và bày tỏ ý kiến đối với mọi vấn đề.
  • Hãy chú ý đến cách các thành viên trong nhóm phản ứng với một phong cách quản lý và xem xét các ý kiến của họ.
  • Thông báo cho người lao động những cách có thể để báo cáo về các quan ngại trong trường hợp bị quấy rối và đồng hành với những nỗ lực của họ.
  • Khuyến khích người lao động báo cáo các trường hợp quấy rối khi họ là nạn nhân hoặc nhân chứng.
  • Xử lý nghiêm túc mọi khiếu nại quấy rối tiềm tàng, bất kể cấp độ quyền hạn của người có liên quan.

Việc không nên làm: Tôi không được

  • Phớt lờ hoặc giảm nhẹ các khiếu nại về hành vi quấy rối về đạo đức, tình dục hoặc thể chế.
  • Yêu cầu người lao động phải đạt được chỉ tiêu bằng mọi giá trong hoàn cảnh không thể thực hiện được.
  • Tiến hành điều tra nếu bạn chưa được đào tạo về điều tra hoặc nếu sự gần gũi của bạn với các bên liên quan có thể khiến người khác nghi ngờ tính trung lập của bạn.

Tổng thư ký (Chánh Văn Phòng) / Giám đốc điều hành của các đơn vị

Việc nên làm: Tôi phải

  • Làm cho người quản lý biết về các hành vi và nhận xét dẫn đến quấy rối để nhận ra và tránh chúng, đồng thời biết các bước cần thực hiện trong trường hợp phát hiện hoặc khiếu nại.
  • Cân nhắc đến các vấn đề xung đột lợi ích khi đánh giá hoặc điều tra các vụ việc và đảm bảo rằng các cuộc điều tra không được chỉ đạo bởi những người có thể bị nghi ngờ về sự chí công vô tư.
  • Giải quyết các khiếu nại về quấy rối một cách bảo mật và tôn trọng giả thiết vô tội.
  • Xử phạt hành vi quấy rối đã được chứng minh trên cơ sở tuân thủ pháp luật áp dụng và quy định hiện hành.

Tình huống Thực tiễn  1

 

Bạn nhận thấy rằng trong nhóm của mình, một đồng nghiệp A của bạn luôn bị một đồng nghiệp B phớt lờ, đồng nghiệp B không bao giờ chào hỏi đồng nghiệp A, không mời đồng nghiệp A tham gia các cuộc họp nhóm và thường xuyên đưa ra những lời chê bai về ngoại hình của đồng nghiệp A.

• Bạn cố gắng tạo ra cuộc đối thoại có hai người đó và các đồng nghiệp khác tham gia về những gì bạn cho là những hành vi không đúng.

• Bạn khuyến khích người bị quấy rối nói chuyện với người quản lý hoặc PDP của họ và báo cáo thông qua Đường Dây Đạo Đức.

• Bạn cũng có thể thông báo cho người quản lý của bạn về các phát hiện của bạn.

Tình huống Thực tiễn  2

 

Quản lý nhóm của bạn rất khắt khe. Người quản lý công khai khiển trách các thành viên trong nhóm khi một số công việc không được thực hiện theo cách mà anh ta mong đợi và có thể làm bẽ mặt ai đó ngay giữa cuộc họp, điều này tạo ra một bầu không khí kinh hoàng và ảnh hưởng đến động lực của toàn bộ nhóm. Không ai dám nhận xét về người quản lý vì anh ta ở vị trí rất cao và mọi người đều sợ phải chịu hậu quả.

• Bạn có thể đến và nói chuyện với người quản lý riêng hoặc cùng với các đồng nghiệp khác và nói với người quản lý rằng hành vi của anh ta gây chán nản, căng thẳng và tổn hại cho nhóm.

• Nếu người quản lý không trả lời, bạn thực hiện báo cáo trên Đường Dây Đạo Đức. Bên cạnh việc đó, bạn có thể nói chuyện với Giám đốc Phát triển của mình.

Việc người đó chiếm giữ một vị trí thứ bậc cao trong công ty không mang lại cho họ sự bảo vệ đặc biệt nào. Hơn nữa, chính sách của công ty sẽ bảo vệ bạn khỏi bị trả thù.

Tình huống Thực tiễn  3

 

Trong quá trình xây dựng nhóm, một người thuyết trình bên ngoài đã có những hành vi không phù hợp với bạn, dành cho bạn những lời khen ngợi phô trương, theo dõi bạn trong tất cả các hoạt động và đề nghị gặp mặt đi uống nước. Điều này khiến bạn cảm thấy rất khó chịu và bị cản trở trong các hoạt động. Bạn có thể:

• Có thái độ quả quyết với cố vấn viên này và yêu cầu họ dừng hành vi không phù hợp. Bạn có thể làm điều này một mình hoặc cùng với một đồng nghiệp, để bạn cảm thấy được hỗ trợ.

• Báo cáo trên Đường Dây Đạo Đức. Bên cạnh việc đó, bạn có thể nói chuyện với người quản lý hoặc Giám đốc Phát triển của mình.

Điều cần thiết là phải chấm dứt mọi hành vi không thể chấp nhận được trước khi nó trở nên tồi tệ hơn và ngăn chặn sự tái diễn hành vi đó với những người khác.

Tình huống Thực tiễn  4

 

Bạn làm việc trong lực lượng bán hàng và một khách hàng đã nói rõ với bạn rằng anh ta muốn hẹn hò với bạn bên ngoài địa điểm làm việc, mời bạn đi uống nước hoặc ăn tối nhiều lần. Sau khi bạn từ chối lời mời của họ, khách hàng nói rằng họ sẽ ngừng mua lốp Michelin hoặc sẽ mua với số lượng thấp hơn nhiều nếu bạn không phản hồi tích cực với những yêu cầu này.

Bạn phải nói chuyện với người quản lý của mình và báo cáo vấn đề trên Đường Dây Đạo Đức.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể báo cáo trường hợp này cho Giám đốc Phát triển của mình.

Tình huống Thực tiễn  5

 

Một trong những đồng nghiệp của bạn liên tục vỗ vào lưng người khác. Người đồng nghiệp có vẻ coi đó là một cử chỉ thân thiện. Nhưng bạn thấy rằng một số người bị xúc phạm bởi hành vi này và không dám nói bất cứ điều gì.

Bạn giải thích với người đồng nghiệp rằng thói quen này không được người khác chấp nhận và có thể khiến họ bị tổn thương. Bạn yêu cầu người đồng nghiệp ngừng làm việc đó.

Người liên hệ

  • Người quản lý của tôi
  • Một Giám đốc Phát triển hoặc một thành viên của Bộ phận Nhân sự
  • Đường Dây Đạo Đức
  • Người quản lý Đa dạng và Hòa Nhập (ở một số quốc gia)
  • Đề cập về quấy rối tình dục (ở Pháp)
  • Bộ phận pháp lý