Chống tham nhũng

"Tại bất kỳ nơi nào chúng ta có hoạt động, trên phạm vi toàn thế giới, chúng ta đều kiên quyết chống lại tất cả các hình thức tham nhũng, không phân biệt là tổ chức hay cơ quan có liên quan, cho dù là nhà nước hay tư nhân… Chúng ta từ chối mọi thù lao cho bên thứ ba nếu thù lao đó không tương ứng với một dịch vụ thực tế, cho một khối lượng công việc hợp lý, được ghi hợp lệ trong các tài khoản của chúng ta.

Điều lệ về Hoạt động và Trách nhiệm của Michelin (2002), Thực hiện các Giá trị của chúng ta, Thực thi các Trách nhiệm của chúng ta

Tập đoàn mong muốn bảo tồn và xây dựng danh tiếng dựa trên sự trung thực và liêm chính. Tham nhũng và hối lộ phá hủy niềm tin vào một tổ chức. Nếu không có sự tin tưởng này, Giá trị Cốt lõi của Tập đoàn sẽ không thể được tôn trọng.

corruption_opaque@2x

Phạm vi

Là một công ty có công ty mẹ được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Pháp, các hoạt động của Tập đoàn trên khắp thế giới đều chịu điều chỉnh theo của pháp luật Pháp về tham nhũng và hối lộ, đặc biệt là yêu cầu về áp dụng các biện pháp nhất định để chống tham nhũng.

Quy Tắc này cũng được áp dụng cho các hoạt động của Michelin ở tại Pháp và ở tất cả các quốc gia mà Michelin có hoạt động. Pháp luật đang có hiệu lực tại các quốc gia này có thể nghiêm ngặt hơn Quy Tắc này. Khi đó, luật về chống tham nhũng của quốc gia đó sẽ được ưu tiên áp dụng.

Nhân viên, trên cơ sở phối hợp với Bộ phận Pháp chế, có trách nhiệm hiểu biết đầy đủ về phạm vi của các trường hợp ngoại lệ đó.

Định nghĩa

Tham nhũng công là việc biếu tặng một món quà hoặc bất kỳ lợi ích nào cho cán bộ nhà nước để cho người đó hoặc những người khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi thuộc phạm vi chức năng hoặc nhiệm vụ của họ. Hành động trái pháp luật này được coi là hành vi tham nhũng chủ động.

Việc chấp thuận hoặc gạ gẫm bởi một cán bộ nhà nước đối với các đề nghị hoặc biếu tặng như vậy được coi là hành vi tham nhũng bị động

 

Tham nhũng tư là việc biếu tặng một món quà hoặc bất kỳ lợi ích nào khác cho một cá nhân thuộc khu vực tư nhân để cho người đó hoặc những người khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, thực hiện hoặc không thực hiện làm một hành vi thuộc phạm vi chức năng hoặc của họ. Hành động trái pháp luật này được coi là hành vi tham nhũng chủ động.

Việc chấp thuận hoặc gạ gẫm bởi một cá nhân thuộc khu vực tư nhân đối với các đề nghị hoặc biếu tặng như vậy được coi là hành vi tham nhũng bị động

 

Lợi dụng ảnh hưởng chủ động là việc biếu tặng, trực tiếp hoặc gián tiếp, cho một cán bộ nhà nước hoặc cá nhân thuộc khu vực tư nhân có tầm ảnh hưởng (trên thực tế hoặc giả định), một quà tặng hoặc bất kỳ lợi ích nào để đổi lại việc người đó lạm dụng tầm ảnh hưởng của mình để đạt được các quyết định thuận lợi từ cơ quan nhà nước hoặc cơ quan quản lý (ví dụ như ưu đãi, công việc, hoặc hợp đồng,...)

Việc chấp thuận hoặc gạ gẫm bởi một cán bộ nhà nước hoặc cá nhân thuộc khu vực tư nhân đối với các đề nghị hoặc biếu tặng như vậy được coi là hành vi lợi dụng ảnh hưởng bị động

Nguyên tắc Hướng dẫn

Tập đoàn không khoan nhượng đối với hành vi tham nhũng và lợi dụng ảnh hưởng, bất kể trong lĩnh vực công hay tư, chủ động hay bị động, trực tiếp hay gián tiếp. Bất kỳ hành vi hoặc hành vi cố ý tham nhũng hoặc lợi dụng ảnh hưởng đều có thể khiến môtj nhân viên phải chịu các biện pháp kỷ luật, có thể khiến nhân viên và Tập đoàn phải chịu phạt và các thủ tục tố tụng dân sự hoặc hình sự, và đồng thời có thể gây tổn hại đến danh tiếng về sự liêm chính của Tập đoàn.

Michelin phản đối bất kỳ khoản chi hối lộ (tiền hoặc quà tặng được trả bất hợp pháp) hoặc các khoản chi trái phép khác, trực tiếp hoặc gián tiếp bởi một bên trung gian, cho các quan chức, các thành viên chính phủ hoặc bất kỳ cán bộ nhà nước nào khác, cũng như cho bất kỳ cá nhân hoặc bất kỳ tổ chức tư nhân nào.

Một nhân viên sẽ không bị phạt do hậu quả của việc Michelin từ chối đưa hối lộ.

 

Bên thứ ba thực hiện thay mặt cho Michelin

Các nhân viên nên thận trọng khi sử dụng các bên thứ ba để đại diện hoặc thay mặt cho một tổ chức của Tập đoàn, chẳng hạn như các đại lý, các bên trung gian, các tư vấn bên ngoài, hoặc các khách hàng cung cấp loại dịch vụ này.

Hợp đồng với các bên thứ ba nhân danh hoặc thay mặt cho Michelin, hoặc những người liên hệ thay mặt cho Michelin với các cơ quan quản lý hoặc cơ quan chính phủ, phải được lập thành văn bản và phải bao gồm các điều khoản chống tham nhũng. Thời hạn của các hợp đồng này phải được giới hạn để có thể đánh giá lại rủi ro tham nhũng và hợp đồng có thể được đưa ra đấu thầu.

Thù lao cho các dịch vụ của các bên thứ ba này phải:

  • Tương ứng với khối lượng công việc hợp lý, tương xứng với nhiệm vụ được giao, có thể xác định được và có thể so sánh với các tiêu chuẩn thị trường.
  • Được hạch toán chính xác, được thanh toán trên cơ sở có xem xét các dịch vụ thực tế được cung cấp và phù hợp với các thông lệ của Michelin về các khoản chi được phép và các quy tắc kế toán của Tập đoàn.

Nhân viên nên kiểm tra với Bộ phận Pháp chế về mức bồi thường được phép phù hợp với các thông lệ chống tham nhũng của Tập đoàn và pháp luật hiện hành.

Việc nên làm: Tôi phải

 

  • Từ chối mọi yêu cầu hoặc đề nghị hối lộ hoặc đút lót. Báo cáo ngay lập tức cho Bộ phận Pháp chế và cho Đường Dây Đạo Đức.
  • Tuân thủ chính sách quà tặng và giải trí hiện hành.
  • Tham gia tất cả các khóa đào tạo về chống tham nhũng được yêu cầu.

Việc không nên làm: Tôi không được

Tự mình, hoặc thông qua một bên thứ ba

  • Tặng hoặc nhận, hay đề nghị hoặc yêu cầu, hối lộ hoặc chi các khoản chi trái pháp luật hoặc đồng ý với yêu cầu hoặc đề nghị để thực hiện các việc đó.
  • Tặng quà hoặc lợi ích cho cán bộ nhà nước hoặc cá nhân thuộc khu vực tư nhân, cho lợi ích cá nhân của họ, với quan điểm:
    • gây ảnh hưởng đến một quyết định quản lý hoặc chuyên môn
    • đạt được hoặc duy trì được các hợp đồng, mối quan hệ kinh doanh hoặc
    • đạt được bất kỳ lợi ích nào cho Tập đoàn
  • Đề xuất hoặc đồng ý với yêu cầu về biếu tặng, hứa hẹn, quà tặng hoặc lợi ích dưới bất kỳ hình thức nào cho một cá nhân để đổi lấy việc người đó lạm dụng ảnh hưởng thực sự hoặc giả định của họ đối với một công chức hoặc nhân viên.

Tình huống Thực tiễn 1

Bạn là một đại diện bán hàng. Một khách hàng liên hệ với bạn để thương lượng về việc hoàn tiền cho một sản phẩm đang được bảo hành (hoàn tiền cho các yêu cầu bảo hành chưa được giải quyết). Khách hàng thông báo với bạn rằng họ sẵn sàng chia sẻ với bạn lợi ích từ khoản hoàn trả này "như thường lệ theo thông lệ của những người tiền nhiệm". Hành động này có được phép không?

Không. Trước hết, bạn phải từ chối lời đề nghị một cách lịch sự. Sau đó, bạn phải liên hệ với Bộ phận Pháp chế hoặc báo cáo sự việc thông qua Đường Dây Đạo Đức. Do đó, một cuộc điều tra về các sự kiện hiện tại và trước đây sẽ được đảm bảo thực hiện.

Tình huống Thực tiễn 2

Trong cuộc gặp với đại diện của một khách hàng là cơ quan chính phủ ở một quốc gia được công nhận là có nguy cơ tham nhũng cao, đại diện của khách hàng yêu cầu bạn trả tiền mặt cho họ “để đảm bảo rằng hợp đồng mua bán sẽ được gia hạn”. Bạn trả lời rằng bạn không được phép làm điều này. Đại diện của khách hàng tức giận và đe dọa bạn. Bạn có phải tuân theo yêu cầu đó không?

Không. Trước tiên, bạn nên cố gắng làm dịu tình huống để đảm bảo an toàn cho mình. Đừng tự đặt mình vào nguy hiểm! Sau đó, bạn báo cáo tình hình cho cấp trên của mình hoặc cho Bộ phận Pháp chế. Bạn cũng báo cáo sự việc trên Đường Dây Đạo Đức.

Đối với bất kỳ cuộc họp nào được tổ chức với chính quyền địa phương, việc có hai đại diện của Tập đoàn tham gia họp luôn được khuyến nghị.

Tình huống Thực tiễn 3

Bạn là người mua phụ trách một hồ sơ mời thầu. Một nhà cung cấp tiềm năng đề nghị cung cấp cho bạn các dịch vụ của họ để đổi lấy việc ký hợp đồng. Bạn có thể chấp nhận không?

Không. Bạn phải từ chối lời đề nghị một cách lịch sự. Bạn thông báo tới Bộ phận Pháp chế ngay lập tức. Bạn báo cáo sự việc tới Đường Dây Đạo Đức.

Tình huống Thực tiễn 4

Bạn là một đại diện bán hàng. Một cựu quan chức chính phủ của một quốc gia liên hệ với bạn và đề nghị cung cấp dịch vụ của họ "để đảm bảo rằng Michelin sẽ thắng" một cuộc đấu thầu vừa được quốc gia này công bố. Đây là một hợp đồng quan trọng mà sẽ là một chiến thắng lớn cho Tập đoàn và sẽ đảm bảo rằng bạn sẽ đạt được các mục tiêu tăng trưởng của mình trong thị trường này. Bạn phải làm gì?

Bạn phải từ chối gặp gỡ cựu quan chức này và ngay lập tức liên hệ với người quản lý của bạn và Bộ phận Pháp chế. Việc vị cựu quan chức tuyên bố có thể đảm bảo rằng Michelin sẽ được lựa chọn cho hợp đồng là một dấu hiệu “cờ đỏ” có thể cho thấy rằng vị quan chức này sẽ lạm dụng ảnh hưởng của mình với các đồng nghiệp cũ của mình. Bạn phải đưa ra cảnh báo về khả năng lợi dụng ảnh hưởng này trên Đường Dây Đạo Đức.

Người liên hệ

  • Bộ phận Pháp chế